Sau xuất ngũ năm 1982, ông bắt tay vào làm kinh tế với hai bàn tay trắng. Vừa học hỏi, vừa làm, ông mạnh dạn cải tạo vùng đất chiêm trũng, ngập nước thuộc phường Ngọc Trạo cũ và khu ao của Trung đoàn 27 thành một trang trại tổng hợp rộng hơn 4 ha. Những ngày đầu khởi nghiệp không hề dễ dàng – từ thiếu vốn, thiếu kỹ thuật đến sự hoài nghi của người xung quanh. Thế nhưng, người lính năm xưa không bỏ cuộc. “Còn sức là còn làm, khó thì mình nghĩ cách, không để ai phải thương hại mình,” ông từng tâm sự.
Từ nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, ông từng bước xây dựng nên trang trại rộng hơn 28.000 m² mặt nước nuôi trồng thủy sản như bây giờ – nơi tạo việc làm cho hơn 5-6 lao động địa phương, trong đó có nhiều con em cựu chiến binh, người yếu thế. Ông không chỉ tạo ra sinh kế mà còn mở lối cho những mảnh đời từng chật vật như ông ngày trước.
Tận dụng diện tích mặt nước tại địa phương, ông phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản với đa dạng các loại cá như cá chim, cá trôi, cá mè, cá trắm, bên cạnh đó là các giống cá quý hiếm như cá nheo, cá vược gai, cá trắm đen. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi bài bản, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn tích lũy từng năm, mỗi năm ông thu hoạch ổn định hơn 15 tấn thủy sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, góp phần không nhỏ vào phong trào thi đua làm kinh tế giỏi tại địa phương.
Từ sự tảo tần, chăm chỉ của ông, giờ đây ba người con của ông đều có công việc ổn định, tiếp nối truyền thống lao động của cha.
Theo lời kể của ông Chanh, ông còn tận dụng tối đa nguồn nước trong ao để phục vụ tưới tiêu cho cả đồng ruộng xung quanh. Một mô hình – hai mục đích, vừa mang lại sản lượng cá ổn định, vừa góp phần cải thiện mùa màng. Hỏi ông vì sao vẫn làm nhiều việc như thế khi tuổi đã cao, sức đã yếu, ông cười mộc mạc: “Không làm là buồn, mà tôi làm không chỉ cho mình. Làm là để thấy mình còn khỏe, còn có ích cho làng xóm.”
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Chanh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn khác, giúp họ tự đứng vững trên chính đôi chân mình. Nhiều người sau khi được ông chỉ bảo đã gây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Có thể nói, ông như một "người thầy" đặc biệt giữa đời thường – dạy bằng trải nghiệm và bằng chính tấm gương sống động của mình.
Khi được hỏi về hành trình từ người lính trở thành nông dân làm kinh tế giỏi, ông Chanh xúc động chia sẻ: “Tôi vẫn luôn nghĩ, đồng đội mình đã nằm lại nơi chiến trường, còn mình may mắn trở về, thì phải sống sao cho xứng đáng. Làm kinh tế không chỉ để nuôi sống gia đình, mà còn để góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương. Cũng như thời chiến phải gan dạ, thời bình cũng cần quyết tâm, kiên trì. Khó khăn không thiếu – nhưng tôi tin, với ý chí người lính Cụ Hồ, mình làm được.”
Ánh mắt ông Chanh ánh lên niềm tự hào không chỉ vì trang trại ngày càng khang trang, mà vì đã tạo được việc làm, lan tỏa được nghị lực đến nhiều người. Đó cũng là "trái ngọt" mà ông gặt hái sau bao năm bền bỉ vun trồng – không chỉ trên đất, mà cả trong lòng người. Với ông, hạnh phúc không chỉ là con số thu nhập, mà là khi thấy những người xung quanh mình cũng sống có ích.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Quang Trung, ông Trịnh Hồ Điền, nhận xét: “Đồng chí Tống Văn Chanh là tấm gương sáng trong phong trào cựu chiến binh gương mẫu. Từ người lính dũng cảm ngoài chiến trường đến người tiên phong trong phát triển kinh tế, đồng chí đã chứng minh rằng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không phai nhạt theo thời gian, mà càng được tôi luyện trong thời bình bằng hành động cụ thể và những đóng góp thiết thực cho quê hương.”
Mỗi dịp 27/7 đến, chúng ta lại tưởng nhớ những người đã ngã xuống, và càng thêm trân trọng những thương binh như ông Chanh – những người
"sống lành, sống đẹp, sống có ích",
để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rằng: Hòa bình hôm nay được dựng xây từ máu, mồ hôi và nghị lực phi thường của những con người như thế.
Thanh Dung